0236.3650403 (128)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHO CÁC CÔNG TY DỆT MAY VIỆT NAM


1.      Một số thông tin trên các thị trường chính mà các công ty cần quan tâm

·        Thị trường Mỹ:

Mỹ là thị trường khổng lồ của thế giới, không kể lượng hàng hóa sản xuất trong nước, hàng năm, thị trường này còn nhập khẩu lượng hàng hóa lên đến hàng trăm tỷ USD. Đây là thị trường mở, đầy tiềm năng nhưng cũng được đánh giá là thị trường khó tính nhất, nhiều rủi ro nhất với các loại hàng hóa nhập khẩu.

Luật lệ ở Mỹ rất phức tạp vì mục tiêu của hệ thống pháp luật là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, hầu như doanh nghiệp nào của Mỹ cũng có luật sư riêng.

Nhiều loại hàng hóa đưa vào Mỹ đều đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, vì Mỹ là nước đa văn hóa, đa chủng tộc, hơn nữa người Mỹ thích dùng những sản phẩm gần gủi với thiên nhiên, nhưng phải đảm bảo chất lượng.

Cần nắm vững 6 yêu cầu trong buôn bán với Mỹ: đảm bảo chất lượng hàng theo hợp đồng quy định, giá cả cạng tranh, giao hàng đúng thời hạn, đơn hàng số lượng lớn, luật pháp, giao dịch bằng tiếng Anh và Internet. Mỹ thường yêu cầu các doanh nghiệp đối tác phải áp dụng các hệ thống kiểm tra chất lượng.

·        Thị trường Nhật Bản.

 Là cường quốc tài chính số 1 của thế giới và là một trong ba cường quốc công nghiệp của hành tinh. Nước Nhật đã tích lũy được một nguồn tài sản khổng lồ để mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới. Người Nhật rất tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Họ tranh thủ làm việc đến từng giây. Trong kinh doanh họ có tinh thần tập thể cao độ: thống nhất phân chia thị trường ảnh hưởng, thống nhất giá cả...Chính Phủ Nhật thường có những chính sách bảo hộ đối với hàng sản xuất trong nước. Nhật là một thị trường lớn về hàng dệt may: trước đây Nhật chủ yếu nhập khẩu các nguyên liệu dệt-may như vải, sợi, keo...hiện nay thiên về nhập khẩu quần áo may sẵn và các sản phẩm dệt hoàn chỉnh, với yêu cầu chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, màu sắc phong phú.

·        Thị trường EU

Thị trường EU có nhu cầu rất đa dạng và phong phú về chủng loại hàng hóa. Tuy có những khác biệt về tập quán và thị hiếu tiêu dùng giữa các thị trường quốc gia trong khối EU nhưng các nước thành viên đều là những quốc gia nằm trong khu vực Tây Âu, Bắc Âu và Đông Âu nên có những đặc điểm tương đồng về kinh tế và văn hóa. Trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các nước thành viên khá đồng đều, cho nên người dân thuộc khối EU có những điểm chung về sở thích và thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng Châu Âu có sở thích và thói quen dùng sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới dù vẫn biết sản phẩm đó đắt hơn rất nhiều so với những nhãn hiệu bình thường. EU là một trong những thị trường lớn trên thế giới, là công đồng dân tộc thượng lưu và là trung tâm văn minh lâu đời của nhân loại. Do đó, sở thích của người Châu Âu rất cao sang, họ có thu nhập, mức sống cao và khá đồng đều, yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn vệ sinh của sản phẩm. Một đặc điểm nổi bật trên thị trường EU là quyền lợi của người tiêu dùng rất được bảo vệ. Do đó, EU quy định tiến hành kiểm tra các sản phẩm ngay từ nơi sản xuất và có các hệ thống báo động nhanh giữa các nước thành viên.

2. Giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu cho các công ty dệt may Việt Nam

Trước hết, công ty cần thành lập bộ phận nghiên cứu thị trường riêng. Vì trong thời đại ngày nay, vấn đề nắm bắt thông tin thị trường là quan trọng, nó quyết định đến sự thành công hay thất bại của công ty.

Vấn đề nhân sự để thực hiện công tác nghiên cứu thị trường cũng hết sức quan trọng. Hiện tại, công ty chưa có những cán bộ có đủ trình độ chuyên môn về công tác nghiên cứu thị trường. Vì vậy, công ty cần phải tuyển thêm những cán bộ có trình độ chuyên môn về lĩnh vực này, một mặt công ty cần có kế hoạch đào tạo cán bộ, cho đi học các lớp nâng cao trình độ về nghiên cứu thị trường để hình thành được một bộ phận nghiên cứu thị trường có đầy đủ chuyên viên nghiên cứu thị trường đáp ứng được yêu cầu cao của công việc.

Để nghiên cứu thị trường có hiệu quả, công ty cần thực hiện một số công việc chủ yếu sau:

2.1. Thẩm định tiềm năng thị trường.

Dù làm việc trong hiện tại, người nghiên cứu phải cố gắng thẩm định điều gì có thể diễn biến trong tương lai. Để làm được việc đó, họ phải khảo sát điều gì xảy ra hiện tại và trước đó, từ đó dự đoán cho tương lai. Và các yếu tố phải nghiên cứu để đánh giá thị trường tiềm năng đó là:

- Các hạn chế trong việc tiếp cận thị trường: Người nghiên cứu phải biết rằng chính các hàng rào thương mại của thị trường nghiêm khắc sẽ xác định được nước nào mà công ty có thể thâm nhập. Các hàng rào đó chính là các thuế quan và các hạn ngạch. Lí do đó buộc công nhân viên phải lưu ý đến thuế quan nhập cảng trên thị trường mà công ty được xuất khẩu. Và các nước có thể sử dụng hạn ngạch để hạn chế lượng hàng nhập khẩu. Khi kiểm tra thuế quan và hạn ngạch của một nước nhập khẩu, cần xác định diễn biến có thể có của chúng trong tương lai, vì nó có thể thay đổi. Hiện nay, thị trường Nhật Bản là thị trường không hạn ngạch về hàng dệt may, thị trường Mỹ, EU là những thị trường lớn nhưng có áp dụng hạn ngạch và luật thuế chặc chẽ, đó là những thông tin mà doanh nghiệp cần lưu ý để thẩm định tiềm năng thị trường

- Quy mô và tăng trưởng của thị trường: Người điều tra phải khám phá được tiềm năng về dân số mà thị trường thực sự dành cho sản phẩm của mình, phải đánh giá quy mô hiện nay của thị trường, mức gia tăng có thể có như thế nào và thị phần mà sản phẩm của mình có thể chiếm lĩnh được.

2.2. Cách thức để nghiên cứu tài liệu có hiệu quả

Để làm việc có hiệu quả, nhân viên nghiên cứu cần lưu ý:

Khi khai thác một chủ đề mới lạ, phải đi từ tổng quát đến đặc thù. Cần bắt đầu việc nghiên cứu tài liệu bằng cách xem xét các nguồn thông tin hiện có. Nếu người nghiên cứu càng nghiên cứu sâu các nguồn tài liệu ban đầu, sẽ có nhiều cơ hội để có thể kế hoạch hóa việc nghiên cứu một cách hiện thực và giảm tối thiểu thời gian.

Đánh giá các nguồn tài liệu: Khi đã khám phá được các nguồn tài liệu, người nghiên cứu phải đánh giá các nguồn đó theo các nhu cầu đặc biệt của mình.

Khi bắt đầu một dự án nghiên cứu thị trường hoàn chỉnh, phải tìm kiếm thông tin giúp có cái nhìn toàn bộ rộng lớn về thị trường: các đặc tính kinh tế cơ bản, cơ cấu tổng quát theo các ngành hoạt động, cơ cấu và các khuynh hướng chính của ngành hoạt động đặc biệt hay khu vực đặc biệt của thị trường đang nghiên cứu... cần tìm kiếm các nghiên cứu tổng quát đã ấn hành trong báo chí chuyên ngành, tạp chí, để giúp cho người nghiên cứu nhận thức được các khía cạnh mà mình sẽ phải nghiên cứu sâu tiếp theo và đồng thời sẽ giúp khám phá một số nguồn thông tin khác mà người nghiên cứu sẽ phải sử dụng.

Công ty phải nghiên cứu tài liệu một cách liên tục để xem mục tiêu của công ty trên mỗi thị trường có đạt được không, để thông báo các thay đổi về các điều kiện thị trường có thể ảnh hưởng đến khối lượng doanh số bán hàng của công ty. Các nguồn tài liệu mà nhân viên công ty phải nghiên cứu liên tục đó là: Bảng ghi chép về doanh số bán hàng; các báo cáo của các đại lý, các báo cáo của những người bán hàng, các thư từ từ khách hàng.

2.3. Kỹ thuật nghiên cứu hiện trường thành công:

Hiện nay, nhân viên công ty nghiên cứu hiện trường nhưng chưa có kế hoạch cụ thể, vì vậy, chi phí cho mỗi chuyến nghiên cứu thì cao mà thông tin thu được chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, trước khi thực hiện các cuộc nghiên cứu hiện trường, người nghiên cứu phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong nước của mình, phải thiết lập trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu, kế hoạch làm việc cụ thể như sau:

-         Xác định các mục tiêu của việc nghiên cứu hiện trường

-         Xác định các loại người cần điều tra và xem họ ở đâu.

-         Thiết lập một bảng câu hỏi điều tra.

-         Tổ chức các cuộc phỏng vấn trước nếu có thể được.

Khi thiết lập bảng câu hỏi thì nhân viên cần lưu ý, phải soạn thảo bảng câu hỏi và cũng sẽ phải thay đổi dần dần nó. Tại hiện trường, người nghiên cứu phải xác định thêm vào hay hủy bỏ một số câu hỏi nếu xét thấy vô ích. Cần phải thử nghiệm bảng câu hỏi trên một số người được điều tra không quan trọng lắm. Như thế, điều đó sẽ có thể giúp sửa đổi các điều cần thiết ngay từ ban đầu.

Một vấn đề rất quan trọng gây trở ngại mà hiện nay nhân viên nghiên cứu của công ty đang gặp phải là vấn đề về ngôn ngữ, nhân viên chưa thông thạo về ngôn ngữ của các nước. Có các cách để giải quyết vấn đề ngôn ngữ này như sau:

-         Đối với những thị trường chính, thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật bản thì công ty nên đưa cán bộ đi học các lớp học ngoại ngữ, tập trung đào tạo những nhân viên nghiên cứu thông thạo tiếng Anh, tiếng Nhật bản.

-         Đối với những thị trường khác mà công ty có kế hoạch thâm nhập thì nhân viên nghiên cứu nhờ một thông dịch viên chuyên nghiệp trợ giúp trong cuộc phỏng vấn của mình, thông dịch viên phải hiểu tất cả các từ thương mại và kỹ thuật sẽ được sử dụng và biết rõ bảng câu hỏi được soạn thảo

Công ty nên chọn thời điểm để đưa cán bộ đi nghiên cứu, thời điểm tốt nhất là khi có tổ chức các hội chợ thương mại chuyên ngành, loại hình hội chợ này giúp có cái nhìn toàn diện về thị trường và đồng thời cung cấp các cơ hội tuyệt hảo để nối kết các mối liên hệ với các giới có liên quan. Lịch làm việc đã dự kiến không nên quá cứng nhắc, vì sẽ có nhiều con đường khác nhau để nghiên cứu thị trường.

Cần phải có một kế hoạch cụ thể về thời gian và kinh phí. Người nghiên cứu phải dự kiến được một ngân sách đủ để cho các ngày lưu lại, nếu không sẽ có nguy cơ phải bỏ dỡ các cuộc nghiên cứu trước khi chúng được hoàn tất và nếu không dành đủ thời gian chất lượng các cuộc điều tra sẽ có nguy cơ sụt giảm.

NGƯỜI THỰC HIỆN: NGUYỄN THỊ TIẾN