0236.3650403 (128)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA


1.     Thực trạng hoạt động của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam hiện nay

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. DNNVV có vai trò quan trọng trong giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Hàng năm, DNNVV tạo thêm trên nửa triệu việc làm mới, sử dụng nhiều lao động xã hội và đóng góp một tỷ trọng đáng kể vào GDP. Số tiền thuế và phí mà các DNNVV nộp vào NSNN tăng nhiều qua các năm. DNNVV đã tạo ra nhiều cơ hội cho dân cư tham gia đầu tư, huy động các khoản tiền đang phân tán, nhàn rỗi trong dân cư để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất - kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

     Tuy nhiên, hiện nay các DNNVV gặp rất nhiều khó khăn nhất là khó khăn về vốn, một trong những nguyên nhân làm cho DN khó tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng đó là điều kiện để được vay và thủ tục vay vốn ưu đãi tại các ngân hàng đang còn nhiều rào cản nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận.  Chính phủ nên sớm có văn bản chỉ đạo các địa phương  triển khai thành lập qũy hỗ trợ DNNVV.
Những năm qua số DNNVV tiếp cận được nguồn vốn theo chiều hướng tăng. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, thua lỗ, phá sản, giải thể dẫn đến việc chọn lựa doanh nghiệp để cho vay của các tổ chức tài chính, tín dụng cũng chặt chẽ hơn trước. Chính những nguyên nhân sau đã làm cho chỉ số niềm tin của tổ chức tài chính, tín dụng vào doanh nghiệp giảm xuống: thứ nhất, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thiếu minh bạch dẫn đến đã hạn chế khả năng đầu tư của các ngân hàng. Thứ hai, tài sản bảo đảm của các DNNVV đa số là máy móc thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, giá trị chuyển nhượng thấp. Thứ ba, trình độ quản trị DNNVV chưa cao, tay nghề và chất lượng lao động trong ngành nghề đang rất thấp, phần lớn đào tạo ngắn hạn, ảnh hưởng đến việc chấm điểm khách hàng báo cáo tín dụng dẫn đến hạn mức tín dụng cho vay thấp và dư nợ cho vay trong khu vực này cũng không cao. Bốn là, khả năng hấp thụ vốn của DNNVV chưa cao vì luôn khó khăn do quy mô sản xuất thu hẹp theo điều kiện của nền kinh tế, bên cạnh đó hàng tồn kho lớn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

2.     Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DNNVV

Mục tiêu phát triển DNNVV phấn đấu tỷ trọng xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn quốc; đầu tư của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp 40% GDP; 30% tổng thu NSNN; tạo thêm 3,5 - 4 triệu việc làm mới. 

Để đạt được mục tiêu phát triển DNNVV như trên, trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh như: tập trung giải quyết vấn đề tồn kho, nợ xấu, bất động sản, cũng như xây dựng mục tiêu dài hạn, giải quyết đổi mới cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng, sắp xếp phân bổ vốn hợp lý, đặc biệt là đầu tư công; sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN); sắp xếp lại hệ thống tài chính (trọng tâm là các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng). Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hệ thống thể chế và tập trung hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trong đó có DNNVV. Cụ thể như, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Đây là những chính sách mới hỗ trợ về thuế, lãi suất tín dụng và nguồn vốn… khá toàn diện và cụ thể. Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng rằng, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tồn tại và phát triển, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Những quyết sách này góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dù trước mắt làm giảm nguồn thu cho NSNN, nhưng đây cũng chính là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận… và sẽ tác dụng trở lại góp phần tăng thu cho NSNN trong tương lai gần.

Các nhóm giải pháp phát triển DNNVV gồm: Hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp; Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho DNNVV; Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các DNNVV; Phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị cho các DNNVV; Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai cho các DNNVV;  Cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV; Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển DNNVV; Quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV. Trong đó, tập trung ưu tiên vào những giải pháp cụ thể sau: Thành lập Quỹ hỗ trợ DNNVV; Đẩy mạnh các chương trình đổi mới ứng dụng công nghệ, chú trọng phát triển công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm mới, trang thiết bị, máy móc hiện đại…; Thí điểm xây dựng vườn ươm doanh nghiệp; Thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ toàn diện cho DNNVV trong một số lĩnh vực; Thúc đẩy các liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành.

Nguyễn Thị Tiến Khoa - QTKD