0236.3650403 (128)

Mục tiêu của các nhà quản trị tài chính trong doanh nghiệp


Mỗi doanh nghiệp đều có những mục tiêu khác nhau trong từng thời kỳ phát triển.  Dưới góc độ các nhà kinh tế hiện nay thì người ta thường đề ra hai mục tiêu cơ bản. Mục tiêu đầu tiên của QTTC là nhằm tối đa hóa giá trị cho những người chủ sở hữu doanh nghiệp. Theo Modiglani và Miller thì giá trị của doanh nghiệp được tạo nên bằng tổng giá trị hiện tại của các lợi tức kỳ vọng. Vậy nên, mục tiêu này được cụ thể và lượng hóa bằng các chỉ tiêu sau :

- Tối đa hóa chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế : Lợi nhuận sau thuế là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá việc công ty kinh doanh có lãi hay không, việc tối đa giá trị doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ chỉ tiêu này. Tuy nhiên, nếu chỉ có mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận sau thuế thì chưa hẳn đánh giá được giá trị của cổ đông doanh nghiệp, chỉ tiêu này không nói lên được doanh nghiệp phải bỏ ra những gì để có được lợi nhuận cực đại. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành cổ phiếu nhằm tăng thêm vốn góp rồi dùng số tiền huy động được để đầu tư vào trái phiếu thu lợi nhuận, lợi nhuận sẽ gia tăng tuy nhiên lợi nhuận trên vốn cổ phần giảm vì số lượng cổ phần phát hành tăng. Do đó, cần bổ sung thêm chỉ tiêu tối đa hóa lợi nhuận trên vốn cổ phần.

- Tối đa hóa lợi nhuận trên vốn cổ phần : Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông. Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Của cải các cổ đông sẽ tạo nên giá trị của công ty vì cổ đông chính là những người chủ, góp vốn để công ty hoạt động.

Chỉ tiêu này có thể bổ sung hạn chế trên của chỉ tiêu tối đa hóa lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế nhất định như không xét đến yếu tố thời giá tiền tệ và yếu tố rủi ro. Vì vậy mục tiêu tối đa hóa giá trị thị trường của cổ phiếu được xem là mục tiêu thích hợp nhất của quản trị tài chính công ty vì nó chú ý nhiều yếu tố như độ dài thời gian, rủi ro, chính sách cổ tức và những yếu tố khác ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. 

Để tối đa hóa lợi nhuận, ta có thể hiểu đơn giản mục tiêu của quản trị tài chính được cụ thể hóa bằng những hành động sau :

§  Đầu tư vào các loại tài sản bao nhiêu và nên theo một cơ cấu nào là hợp lý.

§  Các tài sản đầu tư nên tài trợ từ những nguồn vốn nào và nên theo một cơ cấu vốn nào là tối ưu nhất.

Ngoài ra, từ thực tế cho thấy ở các doanh nghiệp hiện nay, nhiều nhà kinh tế đã nhấn mạnh ngoài mục tiêu tối đa giá trị thì họ còn theo đuổi mục tiêu khác làgia tăng trách nhiệm xã hội của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cụ thể là các vấn đề liên quan đến trách nhiệm và vai trò của nhà lãnh đạo doanh nghiệp như trả lương cho nhân viên, an toàn lao động, bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao trình độ, ý thức bảo vệ môi trường,..vv. Công ty muốn đạt được mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa giá trị thì cũng cần phải quan tâm đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

 

Mai Xuân Bình – Khoa QTKD