0236.3650403 (128)

NHỮNG NỘI DUNG PHÂN TÍCH CHIẾN LƯỢC HIỆN TẠI CỦA CÔNG TY


Trong phần này sẽ tập trung phân tích chiến lược mà công ty đang thực hiện. Cụ thể là công ty đang theo đuổi các cấp chiến lược nào?, hiệu quả của các chiến lược này xét trên khía cạnh mục tiêu chiến lược và mục tiêu tài chính như thế nào? Đây là cơ sở để giúp các nhà hoạch định biết được đâu là điểm mạnh và điểm yếu của công ty. Từ đó giúp công ty có thể phát hiện được năng lực tiềm tàng, năng lực lõi và lợi thế cạnh tranh của công ty.

3.2.1. Chiến lược hiện tại

            Khi phân tích chiến lược hiện tại của công ty thì nhà quản trị cần quan tâm đến các vấn đề sau:

-      Công ty đang theo đuổi chiến lược nào: chiến lược tối thiểu hóa chi phí, chiến lược khác biệt hóa hay chiến lược tập trung,…?

-      Công ty đang tham gia vào bao nhiêu giai đoạn trong chuỗi phân phối sản phẩm, phạm vi địa lý, quy mô và cấu trúc khách hàng?

-      Các chiến lược chức năng như: sản xuất, marketing, tài chính, nghiên cứu và phát triển, nhân sự,…của công ty đang vận hành ra sao?

-      Gần đây công ty có thực hiện điều chỉnh cho chiến lược đang thực thi hay không? Những điều chỉnh đó là gì?

Và để đánh giá hiệu quả của chiến lược hiện tại, về cơ bản dựa trên hai khía cạnh là mục tiêu chiến lược và mục tiêu tài chính mà công ty đã đề ra. Cụ thể như sau:

-   Thị phần trong ngành mà công ty nắm giữ là tăng lên, ổn định hay giảm xuống khi theo đuổi việc thực hiện chiến lược?

-   Lợi nhuận biên của công ty thay đổi như thế nào khi theo đuổi chiến lược hiện tại và độ lớn tương đối của nó so với đối thủ?

-   Tương quan so sánh giữa công ty với đối thủ về các mặt lợi nhuận ròng, thu nhập trên vốn đầu tư?

-   Sức mạnh tài chính, đánh giá tín dụng của công ty đang được cải thiện hay suy giảm?

-   Tốc độ tăng doanh số của công ty so với tốc độ tăng trưởng thị trường?

-   Hình ảnh, uy tín của công ty trong cảm nhận của khách hàng ra sao?

-   Công ty có được xem là người dẫn đầu hay làm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh về công nghệ, cải tiến sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, chất lượng sản phẩm, chi phí tối thiểu hay đáp ứng khách hàng không?

3.2.2. Điểm mạnh, điểm yếu

3.2.2.1. Điểm mạnh

            Điểm mạnh của công ty so với đối thủ là điều mà công ty đang làm tốt hơn đối thủ, qua đó giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Điểm mạnh của công ty có thể tồn tại dưới các dạng sau:

-   Những kỹ năng/kinh nghiệm quan trọng, những bí quyết riêng của công ty. Chẳng hạn những bí quyết sản xuất với chi phí thấp, bí quyết về công nghệ sản xuất sản phẩm, sản xuất không khuyết tật hoặc tỷ lệ khuyết tật rất thấp, kinh nghiệm về cung cấp dịch vụ khách hàng, kỹ năng cải tiến sản phẩm/thương mại hóa sản phẩm với quy mô lớn, kỹ năng/bí quyết xây dựng các chương trình quảng cáo, khuyến mãi độc đáo,…

-   Tiềm lực về các tài sản vật chất có giá trị. Chẳng hạn như: vị trí sản xuất thuận tiện và hấp dẫn, dự trữ các nguồn lực tự nhiên, nhà xưởng – máy móc thiết bị hiện đại, mạng lưới công ty trên toàn thế giới,…

-   Nguồn nhân lực có chất lượng. Chẳng hạn như: lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm, năng động và không ngừng đổi mới sáng tạo; lực lượng quản lý nhạy bén, am hiểu thị trường và có tài lãnh đạo,…

-   Tài sản thương hiệu. Chẳng hạn như: danh tiếng của công ty, lòng trung thành của khách hàng, nhượng quyền thương hiệu,…

-   Các loại tài sản khác như: mạng lưới phân phối rộng khắp, mối quan hệ chặt chẽ với nhà cung cấp, lợi thế có được từ vị thế hiện tại trên thị trường hay từ liên minh – liên kết với các công ty khác.

3.2.2.2. Điểm yếu

            Điểm yếu của công ty so với đối thủ là điều mà công ty đang thiếu, làm không tốt hay kém cõi hơn đối thủ. Vì vậy, đặt công ty vào tình thế bất lợi hơn so với đối thủ. Điểm yếu của công ty có thể tồn tại dưới các dạng sau:

-   Sự thiếu hụt về các kỹ năng và kinh nghiệm cạnh tranh quan trọng.

-   Sự thiếu hụt hoặc yếu kém về các khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực then chốt.

-   Thiếu các tài sản vô hình, tài sản vật chất, các yếu tố về tổ chức và nhân sự có tính cạnh tranh.

-   Các điểm yếu nội bộ của công ty. Đây là những khiếm khuyết trong nguồn lực của công ty.

 

(ThS. Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD)