0236.3650403 (128)

TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG NGHỆ SỐ ĐẾN NGÀNH BÁN LẺ VIỆT NAM


ĐỖ VĂN TÍNH

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 gồm các hệ thống  (Cyber-Physical Systems – CPS), Mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of Things – IoT) và điện toán đám mây (Cloud Computing). Bằng những công nghệ này, người ta tạo ra những nhà máy thông minh với hệ thống máy móc tự kết nối với nhau, tự tổ chức và quản lí. Trong đó, con người sẽ chỉ đóng vai trò quản lý tổng thể.Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát và có sự tác động đến mọi lĩnh vực. Trên thực tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực bán lẻ đang âm thầm diễn ra và tạo nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam với những thay đổi đột phá từ những tiêu chuẩn dịch vụ đa dạng, hiệu quả và nhanh chóng dựa trên nền tảng công nghệ số.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dẫn dắt bởi khoa học công nghệ mang tính trí tuệ toàn cầu. Và trong tương lai sẽ không chỉ có ngành bán lẻ mà tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác cũng cần có chiến lược, vận dụng công nghệ trong hoạt động của mình để không bị gạt ra khỏi dòng chảy của nền kinh tế công nghệ hiện đại.

Phân phối bán lẻlà hoạt động kinh doanh thương mại nhằm tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ tới những cá nhân người tiêu dùng hoặc những tập thể hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.Ở mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những mô hinh kinh doanh bán lẻ khác nhau. Sự đa dạng của các mô hình cũng như đặc trưng của một mô hình cũng thể hiện sự  khác nhau ở từng quốc gia. Điều này được quyết định bởi đặc trưng của mỗi nền kinh tế. Tuy thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhỏ lẻ, manh mún, xong cũng được nhận xét là “ thế giới có cái gì thì Việt Nam có cái đó”. Các loại hình bán lẻ của Việt Nam cũng bao gồm loại hình hiện đại và loại hình kinh doanh truyền thống.

Với phần lớn còn có quy mô vừa và nhỏ, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chắc chắn sẽ còn phải đổi đầu với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số như: thiếu hụt nguồn lực, rào cản văn hóa, ít đơn vị cung cấp,... Trước những thách thức như vậy, càng cần thiết phải có tầm nhìn, sự quyết liệt từ phía lãnh đạo, cùng với đơn vị đối tác công nghệ chiến lược, đáng tin cậy, đồng hành cùng doanh nghiệp trên cả hành trình từ số hóa đến chuyển đổi. 

Người tiêu dùng Việt Nam, chắc hẳn đều biết khi đến các cửa hàng bán lẻ truyền thống có một sự bất tiện là phải tự vận chuyển hàng hóa về nhà dù chúng nặng hay nhẹ,… Nhưng hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ bán lẻthì loại hình mua sắm trực tuyến chỉ với một cú click chuột là món hàng bạn chọn sẽ được giao tận nơi dần trở nên phổ biến. Có thể nói đó là một bước chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, những điều đó đã mang lại một lợi ích không hề nhỏ cho chính doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Vì vậy người tiêu dùng Việt Nam đã không còn xa lạ với các mô hình kinh doanh kiểu mới như Grab (trong lĩnh vực giao thông), Traveloka, Trivago, Airbnb (lĩnh vực du lịch, đặt phòng khách sạn), Tiki, Lazada, Sendo, A đây rồi!, Foody, (lĩnh vực thương mại điện tử)… và còn rất nhiều mô hình thành công khác từ việc ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong hoạt động kinh doanh cũng như đời sống kinh tế, xã hội.

Không ngạc nhiên khi nói thị trường Việt Nam được coi là mảnh đất màu mỡ và thu hút được khá nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Theo các thống kê gần đây của  Appota công bố, Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối internet. Số người chỉ sử dụng điện thoại để truy cập Internet ở Việt Nam, nhất là ở độ tuổi từ 18-34 tuổi, chiếm tỷ lệ rất cao so với tỷ lệ người chỉ sử dụng máy vi tính hoặc các thiết bị khác.

Không những thế Việt Nam là nước được biết có kết nối di động cao: 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh và theo dự báo, đến năm 2020 cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động (Google APAC) và 46% người sở hữu máy tính cá nhân. Đây cũng chính là một lợi thế của ngành bán lẻ di động, máy tính nói riêng và kéo theo đó là xu hướng mua bán online tại Việt Nam nói chung sẽ ngày một gia tăng.

Theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm một phần ba chi tiêu trên thương mại điện tử của người tiêu dùng tại Việt Nam. Tỷ lệ dân số có sử dụng điện thoại lên đến 95% tại các đô thị lớn. Trong đó, 78% là sử dụng smartphone. Với những tiện ích từ smartphone mang lại, người sử dụng có thể truy cập mạng xã hội, đọc tin tức, chat và chơi game, ngoài ra với thời đại mọi thứ cùng đi lên thì người Việt Nam còn dùng smartphone để tìm kiếm mua sắm mọi sản phẩm cần thiết, từ việc tìm thông tin sản phẩm, xem đánh giá bình luận, so sánh về giá cả mỗi khi dự định mua một món hàng nào đó. Smartphone cũng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Rõ ràng, dịch vụ bán lẻ trong cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cần được phát triển một cách thông minh với hỗ trợ của công nghệ số. Cách mạng công nghiệp đã và đang thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta. Nếu như trước đây chúng ta luôn gặp sự bất tiện khi mua sắm dù trời mưa hay nắng thì bây giờ dù đang ở nhà bạn vẫn có thể mua sắm một cách dễ dàng và nhanh chóng. Ngoài việc mua sắm trực tuyến trên các website thì việc mua đồ qua facebook, zalo hiện nay cũng đã phổ biến trong xã hội. Dù không có thống kê đầy đủ về tác động của mạng xã hội đối với ngành bán lẻ nhưng ta không thể phủ nhận được mức lan tỏa, độ ảnh hưởng của chúng trong tăng trưởng của ngành ngay từ bây giờ và trong tương lai.

Cácdoanh nghiệp phân phối bán lẻcần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận. Thời đại chiến lược sản phẩm khác biệt đang dần đi qua. Sự cải tiến và khác biệt về năng lực công nghệ giữa các doanh nghiệp ngày càng mờ nhạt. Duy trì sự vượt trội của sản phẩm trong dài hạn ngày càng khó khăn. Doanh nghiệp sẽ không thể cạnh tranh bền vững nếu chỉ bám vào các chương trình khuyến mãi, phá giá,... Thay vào đó, cuộc đua sẽ nằm ở việc tối ưu chi phí vận hành cũng như tối ưu chuỗi giá trị, không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng. Dữ liệu trở thành yếu tố nền tảng.  Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, đây cũng là một cơ hội để chúng ta có thể tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ  lên mạng, lên website. Các doanh nghiệp có thể đưa những sản phẩm, dịch vụ chuẩn từ chất lượng đến giá cả tới khách hàng, đồng thời cũng có thể nhận lại những thông báo xấu, bình luận những điều mà khách hàng chưa hài lòng ở mỗi khâu, mỗi dịch vụ khác nhau. Đây cũng là một cách mà các doanh nghiệp có thể tự nhìn ra những chỗ còn khuyết thiếu để bổ sung thêm hay để phát triển những điểm mạnh hơn.

Nếu muốn tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, ngành dịch vụ bán lẻ cần nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực cạnh tranh để đưa ra bộ kế hoạch chiến lược phù hợp để doanh nghiệp phát triển. Có thể khẳng định rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là yếu tố then chốt để quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Là một lĩnh vực phụ thuộc lớn vào thói quen và sức mua của người tiêu dùng đại chúng, hoạt động bán lẻ chịu những biến đổi liên tục trong thời gian gần đây do thói quen người tiêu dùng thay đổi. Khách hàng hiện đại ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Các trải nghiệm công nghệ mới khiến họ phát sinh những nhu cầu mới và đòi hỏi nhiều hơn từ đơn vị cung cấp. Không chỉ là mua một món đồ, họ còn mua cả một trải nghiệm. Câu hỏi sẽ không còn là Ai bán sản phẩm tốt hơn, mà là Ai đem lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn, và Ai sử dụng chi phí vận hành hiệu quả hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1]    Chính phủ, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, 2017.

[2]    Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Trung tâm thông tin tư liệu, Tác động Cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, 2018.

[3]    https://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=217

[4]    http://cafef.vn/vu-khi-trong-ban-le-va-cuoc-choi-cua-cac-dai-gia-viet-nam-trong-nam-2019-se-nhu-the-nao-20190323111344976.chn

[5]    https://www.thongkeinternet.vn/jsp/trangchu/index.jsp-ban-le-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-tpp-va-cac-fta--hien-trang-va-de-xuat-chinh-sach