0236.3650403 (128)

THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO CÁC KHU KINH TẾ CỦA VIỆT NAM


Đỗ Văn Tính – Khoa QTKD

 

Thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tạo bước đột phá đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là mục tiêu hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta khi đề ra chủ trương hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX).

Nhờ có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư thông thoáng, trong 20 năm xây dựng và phát triển, KCN, KCX là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng vào quy mô và chất lượng dòng vốn FDI trên cả nước.

Bên cạnh KCN, KCX, các khu kinh tế ven biển (KKT) hơn 10năm xây dựng và phát triển cũng đã có đóng góp nhất định vào thu hút vốn FDI. 

Đóng góp của các KCN, KCX, KKT trong thu hút FDI thể hiện ở một số kết quả chủ yếu sau đây:

Thu hút một lượng lớn vốn FDI, chiếm tỷ trọng đáng kể trong FDI cả nước. Tính đến hết năm 2014, các KCN, KCX, KKT trong cả nước đã thu hút được gần 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 90 tỷ USD, chiếm 46% tổng vốn FDI của cả nước. Hàng năm, vốn FDI vào KCN, KCX, KKT chiếm từ 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu xét riêng về thu hút FDI trong ngành công nghiệp, thì các dự án FDI sản xuất công nghiệp trong KCN, KCX, KKT chiếm gần 80% tổng vốn FDI vào ngành công nghiệp cả nước.

Góp phần cải thiện hàm lượng công nghệ trong cơ cấu đầu tư, chất lượng dòng vốn FDI cả nước. Cùng với dòng vốn FDI trong KCN, KCX, các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam những dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến, hiện đại trong những lĩnh vực mà chúng ta còn yếu kém và cần khuyến khích phát triển như cơ khí chính xác, điện tử. Các KKT cũng thu hút được những dự án quy mô lớn trong những lĩnh vực công nghiệp cơ bản như luyện kim, đóng tàu, lọc hóa dầu, cơ khí nặng...

Đặc biệt, thông qua mối quan hệ hợp tác đầu tư với nước ngoài, vị thế, sức hấp dẫn đầu tư, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế được cải thiện.

Thu hút và đào tạo đội ngũ lao động. Các doanh nghiệp FDI trong KCN, KCX, KKT đã thu hút một lực lượng lớn lao động, trong đó có một phần đáng kể lao động khu vực nông thôn. Tính đến tháng 12/2015, các KCN, KCX, KKT đã giải quyết việc làm cho 1,8 triệu lao động trực tiếp, trong đó khoảng 50% thuộc các doanh nghiệp FDI. Qua làm việc cho doanh nghiệp FDI, lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo, rèn luyện kỹ năng, trình độ, tác phong của nền công nghiệp tiên tiến, hiện đại, hình thành đội ngũ lao động nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cơ chế, chính sách quản lý KCN, KCX, KKT từng bước được hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi thu hút dòng vốn FDI. Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, đã hoàn thiện thêm một bước cơ chế, chính sách đối với KCN, KCX, KKT, thống nhất các quy định liên quan tới KCN, KCX nằm rải rác ở các văn bản pháp luật trước đây vào một văn bản. Nghị quyếtđã cụ thể hóa chủ trương tăng cường phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh và Ban quản lý KCN, KKT thực hiện đầu mối quản lý nhà nước đối với các KCN, KCX, KKT trên các lĩnh vực. Quá trình triển khai phân cấp, ủy quyền đã từng bước kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước KCN, KKT theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết kiến nghị, vướng mắc của nhà đầu tư một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các KCN, KCX, KKT cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế chung của dòng vốn FDI trên cả nước, trong đó những hạn chế chủ yếu là:

Hàm lượng công nghệ, tính phù hợp về ngành nghề trong cơ cấu đầu tư chưa cao. Các địa phương và chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN vẫn ưu tiên tập trung thu hút đầu tư theo kiểu lấp đầy KCN, chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ, yếu tố môi trường của các dự án đầu tư vào KCN. Do đó, cơ cấu đầu tư trong các KCN chưa thực sự hợp lý, hàm lượng công nghệ cao trong các KCN, KKT còn hạn chế, tính liên kết ngành (clustering) của các KCN chưa chặt chẽ.

Tốc độ thu hút FDI vào KCN, KCX, KKT những năm gần đây có xu hướng giảm sút. Số lượng dự án và vốn FDI vào KCN, KCX, KKT vẫn duy trì tỷ lệ cao so với FDI cả nước, tuy nhiên tốc độ gia tăng hàng năm không cao, chưa thực sự tương xứng với quy mô và quỹ đất công nghiệp hiện tại của các KCN, KCX, KKT.  

Tỷ lệ và tốc độ giải ngân vốn FDI vào KCN, KCX, KKT chưa đạt yêu cầu. Đến cuối năm 2014, đã có hơn 4.100 dự án FDI đầu tư vào KCN, KCX với tổng vốn đầu tư đạt 24,5 tỷ USD, chiếm khoảng 42% tổng vốn FDI đăng ký. Từ năm 2011đến 2015, vốn đăng ký và số lượng dự án cấp mới tăng nhanh. Tuy nhiên, sau năm 2014, cùng với những bất ổn của thị trường trong nước, tỷ lệ giải ngân vốn FDI trong các KCN, KCX tuy cao hơn so cả nước nhưng vẫn ở mức thấp.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư. Một số nguyên nhân chủ yếu là:

- Kinh tế thế giới suy giảm, biến động của thị trường quốc tế và trong nước gây khó khăn cho các nhà đầu tư hoạt động đầu tư kinh doanh.

- Kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào KCN đã được quan tâm đầu tư nhưng về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Một số KKT, KCN, KCX chậm triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng hoặc xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ.

- Mặc dù nước ta có nguồn lao động dồi dào, lợi thế về giá nhân công thấp, tuy nhiên lợi thế này đang giảm dần; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.

- Chính sách về ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư hạ tầng, dự án sản xuất kinh doanh trong các KCN, KCX không ổn định và hiện nay đã giảm sút nhiều so với quy định trước đây, đặc biệt là các ưu đãi liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, quy định về giá đất, hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng còn chưa hợp lý, làm tăng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.

- Các chương trình xúc tiến đầu tư chưa được xây dựng đồng bộ, thống nhất với định hướng thu hút đầu tư ưu tiên gắn với lợi thế so sánh và điều kiện phát triển thực tế của các địa phương; sự thống nhất, đồng bộ trong các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư giữa các cơ quan Trung ương và địa phương còn hạn chế.

- Một số nhà đầu tư hạn chế về năng lực tài chính, đăng ký đầu tư với mục tiêu giữ đất chờ cơ hội, trong khi công tác thẩm tra cấp phép và quản lý đầu tư chưa thực sự chặt chẽ, nên các dự án chậm triển khai, không có khả năng triển khai.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp tục phát huy vai trò của KCN, KCX, KKT trong thu hút vốn FDI, trong giai đoạn tới cần thực hiện những định hướng cơ bản sau đây:

Một là: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KCN, KKT, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI hoạt động. Nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN theo hướng xây dựng một cách đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với hệ thống tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong hàng rào vào ngoài hàng rào KCN, hướng tới hình thành nhiều KCN có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Tập trung nguồn vốn đầu tư, ưu tiên cho các KKT có nhiều tiềm năng, thuận lợi để sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy hiệu quả thu hút đầu tư phát triển KKT.

Hai là: Tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thâm dụng vốn, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam. Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển KCN để hình thành các KCN liên kết ngành (clusters) nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của KCN và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, dần hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong tổng giá trị gia tăng của địa phương.

Ba là: Hợp tác với các đối tác chiến lược có trình độ phát triển công nghệ tiên tiến, thí điểm xây dựng một số KCN chuyên sâu để thu hút vốn đầu tư, công nghệ phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn mà Việt Nam có thể mạnh, đặc biệt ưu tiên các ngành công nghệ hỗ trợ. Bên cạnh đó, hình thành hệ thống các KCN có quy mô vừa và nhỏ tạo điều kiện phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn.

Bốn là: Xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung xúc tiến đầu tư theo vùng để tăng cường hiệu quả, tránh chồng chéo. Thực hiện xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên một số đối tác lớn, quan trọng và những ngành nghề, lĩnh vực lợi thế của Việt Nam. 

Năm là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư để thu hút FDI. Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hiện hành về KCN, KKT theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền từ Trung ương tới địa phương, gắn chặt với cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp rõ ràng, minh bạch giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên với các chế tài xử phạt thích đáng đối với các trường hợp vi phạm. Kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương, đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các KCN, KKT theo hướng một cửa, một đầu mối và tương xứng với vai trò vị trí ngày càng quan trọng của các KCN, KKT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Tổng cục Thống kê, http://www.gso.gov.vn/

2.     Trung tâm xúc tiến đầu tư Miền Trung, http://centralinvest.mpi.gov.vn/

3.     http://www.mpi.gov.vn

4.     http://www.danangcity.gov.vn/