0236.3650403 (128)

Tình huống thường gặp trong QTHCVP


Tìnhhuống 1: Bạn bị đồng nghiệp “chất vấn” vì đã “buôn chuyện” về anh/ cô ấy

Tình huống không thoải mái đó như sau: Đồng nghiệp tiến lại chỗ bạn và hỏi thẳng rằng có phải bạn đã gọi anh/ cô ấy là người thiếu năng lực hay không. Bạn có thể phủ nhận, nói rằng đó là chuyện tào lao, hiểu lầm. Nhưng nếu quả thực bạn đã nói như vậy, hãy thẳng thắn nói lý do bạn làm vậy trên tinh thần góp ý, xây dựng.

Randy Cohen, một cây bút của tập chí New York Times và tác giả cuốn sách Làm thế nào để điều hướng đạo đức trong mọi vấn đề?, khuyên bạn nên nói: “Có nhiều khía cạnh của công việc anh/ chị đã làm không tốt. Anh/ chị đã làm thế này, thế kia…” Đây có thể là 5 phút lúng túng nhất trong sự nghiệp của bạn và mối quan hệ với người kia có thể rạn nứt nhưng việc bày tỏ quan điểm cá nhân sau lưng đồng nghiệp là điều vẫn chấp nhận được, miễn là bạn không nói dối hay tuyên truyền bí mật của người khác.

Tình huống 2: Đồng nghiệp tỏ tình

Bạn nên cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định từ chối hay chấp nhận một mối quan hệ lãng mạn tại nơi làm việc. Mối quan hệ này có thể tác động tiêu cực nhiều tới bạn như ảnh hưởng tới khả năng tập trung, dẫn tới sự thiên vị, bao che lỗi lầm cho nhau, bị những người khác soi mói… Chưa kể, nhiều công ty còn có quy định nhân viên không được hẹn hò với nhau. Vì vậy, tốt nhất khi đồng nghiệp tỏ tình và rõ ràng bạn không có tình cảm với đối phương, hãy giải quyết dứt điểm bằng cách nói thẳng rằng bạn không muốn hẹn hò với người làm việc cùng.

Tình huống 3: Bạn muốn được tăng lương

Trước tiên, hãy tìm hiểu thời điểm sếp có tâm trạng tốt: vào buổi sáng sớm hay sau giờ ăn trưa? Chọn đúng thời điểm là điều quan trọng, đặc biệt, bạn không nên đòi hỏi khi công ty đang gặp khó khăn về tài chính hay khi sếp đang bận rộn. Thời điểm tốt nhất là khi bạn là “ngôi sao” trong mắt sếp.

Selena Rezvani, tác giả cuốn sách Hướng dẫn phái nữ đưa ra yêu cầu và đấu tranh cho điều mình muốn, đưa ra lời khuyên: “Bạn sẽ có lợi thế sau khi hoàn thành xuất sắc một dự án khó. Bạn có thể nói với sếp rằng: “Tôi muốn nói chuyện về tương lai của mình. Tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ trong những năm qua và thực sự tự hào với những gì đạt được. Tôi muốn thảo luận về một vị trí và chính sách đãi ngộ mới cho mình…”.

Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng: Tìm hiểu mức đãi ngộ trung bình trong lĩnh vực của bạn, về những đồng nghiệp gần đây được tăng lương. Nếu bạn bị từ chối, ít nhất hãy hỏi sếp các điều kiện cụ thể và thời gian bạn có thể gia tăng quyền lợi cho mình.

Tình huống 4: Bạn lỡ thời hạn hoàn thành một dự án quan trọng

Giờ là 2 giờ sáng, 2 ngày trước deadline và bạn biết rằng mình khó hoàn thành dự án đúng thời hạn quy định. Trong trường hợp này, nhiều người thường chờ tới ngày đó và đưa ra bài giải thích dài rằng vì đồng nghiệp A không hoàn thành xong phần việc của họ đúng hạn, vì bạn mất nhiều thời gian làm việc này việc nọ… Phần lớn người quản lý sẽ không chấp nhận những lý do như vậy.

Thay vào đó, 1 ngày trước deadline, bạn nên yêu cầu kéo dài deadline và đưa ra kế hoạch chi tiết những bước bạn sẽ làm. “Hãy trung thực và thẳng thắn, trình bày với sếp rằng bạn sẽ làm những gì để nhanh chóng hoàn thành công việc”, Shirley Au, chủ tịch một công ty tư vấn thương hiệu ở New York, gợi ý. Bạn có thể nói rằng: “Tôi rất xin lỗi về sự chậm trễ nhưng để đảm bảo độ hoàn mỹ cho dự án, tôi cần thêm một ngày nữa. Tôi sẽ làm thế này…” và hoàn thành những gì bạn đã hứa dù phải làm việc qua đêm.

Tình huống 5: Bạn muốn góp ý cho cấp dưới có cách ăn mặc thiếu chuyên nghiệp

Nhân viên là đại diện hình ảnh cho công ty và trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, các công ty đểu rất cẩn trọng với hình ảnh công ty cũng như nhân viên. Một nhân viên ăn mặc luộm thuộm, không chuyên nghiệp sẽ phần nào ảnh hưởng tới cái nhìn của khách hàng, đối tác về công ty. Tara Lowenberg, giám đốc một công ty truyên thông, cho rằng nếu một nhân viên ăn mặc thiếu chuyên nghiệp, hãy gặp riêng anh/ cô ấy và góp ý một cách chân thành. Bạn nên nói rõ ràng về những điểm chưa được trong trang phục của anh/ cô ấy và gợi ý cách thay đổi.

Nếu vấn đề này vẫn tiếp diễn, hãy viết mail nhắc nhở gửi tới cả nhóm của bạn. Dù đây chỉ là lời góp ý không hướng tới một người cụ thể nào nhưng chắc chắn người mắc lỗi sẽ tự động hiểu và thay đổi.

Trương Hoàng Hoa Duyên