0236.3650403 (128)

TỔNG HỢP THÔNG TIN VÒNG ĐÀM PHÁN THỨ 19-HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP)


Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD

 

Đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một đàm phán thương mại tự do nhiều bên, với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cho đến nay, đã có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP (bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản).

Đàm phán TPP hiện đang là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, bao gồm không chỉ các vấn đề về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những vấn đề phi thương.

Trong thời gian đàm phán tại Hà Nội từ ngày 1 đến 10-9, các nước TPP đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các nội dung quan trọng, như doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa và chống tham nhũng, Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết hôm 11-9.

Ngoài ra, các nước cũng dành nhiều thời gian tiếp xúc song phương để xây dựng gói cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, dịch vụ tài chính và mua sắm của Chính phủ.

Theo thông cáo báo chí từ Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM, sau khi giảm số lượng các vấn đề tồn tại, Mỹ và 11 quốc gia TPP khác chia sẻ cam kết giải quyết các vấn đề còn lại nhanh nhất có thể, bao gồm cả về văn bản và các gói tiếp cận thị trường.

Để thúc đẩy việc này, ông Michael Froman, Đại sứ, Trưởng đại diện Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ, sẽ làm việc song phương với nhiều đối tác TPP trong các tuần tới đây. Tuần tới, ông sẽ gặp gỡ Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Văn Ninh tại thủ đô Washington và dự kiến cũng có các cuộc gặp với các bộ trưởng TPP khác.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Barbara Weisel, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Hoa Kỳ, cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa thể kết thúc đàm phán và cần thực hiện những công việc tiếp theo. Tuy nhiên chúng tôi đã thực hiện một bước tiến đáng kể về một số quy định khó khăn nhất liên quan tới doanh nghiệp nhà nước. Chúng tôi muốn đàm phán vấn đề này theo cách giải quyết những vấn đề nhạy cảm thực sự các nước đang gặp phải mà không ảnh hưởng tới các nghĩa vụ mà chúng ta đang tìm cách thương lượng".

Theo bà Weisel, những tiến bộ khác đạt được trong vòng đàm phán lần này là các vấn đề liên quan tới tiêu chuẩn vệ sinh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, những vấn đề vẫn đang vướng mắc là bảo vệ sở hữu trí tuệ, môi trường, và các vấn đề tiếp cận thị trường cụ thể khác nhau, bao gồm nông nghiệp.

Theo Bloomberg, trở ngại được cho là lớn nhất hiện nay liên quan đến những nỗ lực của Nhật Bản trong việc bảo hộ ngành nông nghiệp của họ. Nhật Bản đã yêu cầu miễn trừ đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, duy trì thuế nhập khẩu gạo, lúa mì, đường, sữa, thịt bò và thịt lợn.

Đại diện thương mại của Nhật Bản tỏ bi quan hơn so với bà Weisel. “Vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cần đàm phán nhiều hơn nữa”, ông Hiroshi Oe, Đại sứ Nhật Bản về TPP, nói với các phóng viên sau khi gặp gỡ với Đại diện Thương mại Mỹ Wendy Cutler ở Tokyo.

Bà Weisel cho hay, các vòng đàm phán tiếp theo của TPP chưa được xác định. Phía Mỹ thấy rằng, tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương vào tháng 11 ở Trung Quốc, nơi có sự tham dự của Tống thống Obama và các nhà lãnh đạo khác, có thể là cơ hội để các bên đạt được tiến bộ về các vấn đề còn nổi cộm.

TPP dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Thỏa thuận này là một phần quan trọng trong nỗ lực của Tổng thống Barack Obama nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Tổng thống Mỹ muốn TPP được thông qua trong năm 2014.

Đến nay, TPP đã bước vào năm đàm phán thứ năm với 19 phiên đàm phán chính thức và rất nhiều phiên đàm phán, trao đổi cấp kỹ thuật ở phạm vi hẹp.

Banda Seri Begawan, Brunei – Vòng đàm phán TPP lần thứ 19 bắt đầu tại Brunei tập trung vào một số lĩnh vực còn tồn đọng nhiều vấn đề quan trọng mặc dù Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman cho rằng cuộc đàm phán đang vào giai đoạn cuối.

Các nhóm đàm phán có thời gian kéo dài nhất trong vòng này là nhóm đàm phán về Sở hữu trí tuệ (IPR) và nhóm về Tiếp cận thị trường. Theo lịch trình đàm phán đã được công bố tại địa điểm đàm phán thì nhóm IPR họp từ ngày 22-30/8, trong khi nhóm tiếp cận thị trường họp từ ngày 22-28/8. Tuy nhiên vẫn chưa rõ là chương trình làm việc này mới chỉ là một phần hay toàn bộ thời gian đàm phán.

Cũng chưa rõ là liệu nhóm Tiếp cận thị trường sẽ chỉ thảo luận phần lời văn của chương Tiếp cận thị trường trong TPP hay cả nội dung về cắt giảm thuế quan cụ thể. Các nước TPP tiến hành đàm phán thuế quan trên cơ sở song phương thay vì đàm phán đa phương. Một nguồn tin công nghiệp cho biết các nước TPP đang đặt mục tiêu kết thúc đàm phán phần lời văn của chương Tiếp cận thị trường tại vòng đàm phán này.

Các nhóm đàm phán khác bao gồm nhóm Quy tắc xuất xứ diễn ra từ ngày 23-28/8, Môi trường từ ngày 26-30/8, Đầu tư từ ngày 24-28/8, Dịch vụ tài chính từ ngày 25-28/8, và Mua sắm chính phủ từ ngày 22-24/8. Một nguồn tin cho biết nhóm đàm phán về các quy định đối với Doanh nghiệp nhà nước (SOEs) dự kiến họp từ 28/8 đến 31/8, mặc dù nhóm đàm phán này không được liệt kê trong chương trình làm việc đã được công bố.

Việc các chương chính trong TPP như các chương về SOEs và IPR -- cũng như các vấn đề gai góc về Tiếp cận thị trường -- vẫn chưa được giải quyết có nghĩa rằng đàm phán TPP còn lâu nữa mới có thể kết thúc, Tổ chức người tiêu dùng Public Citizen đã nhận định trong một phát biểu ngày 21/8.

“Nếu không đàm phán xong phần lời văn trong hai chương này của TPP và không đạt được thỏa thuận nào đối với hàng loạt các vấn đề khó khăn trong Chương Tiếp cận thị trường, từ các sản phẩm bơ sữa và đường đến hàng may mặc và gạo, thì rõ ràng trên thực tế Vòng Brunei sẽ không phải là vòng đàm phán cuối cùng” – theo phát biểu của nhóm đã từng chỉ trích các hiệp định thương mại trước đây của Hoa Kỳ. “Câu hỏi đặt ra là liệu các vòng đàm phán TPP tiếp sau Vòng Brunei sẽ không được thông báo và thậm chí sẽ bí mật hơn không."

Trong một bài phát biểu, Lori Wallach, giám đốc Ban Theo Dõi Thương Mại Toàn Cầu của Tổ chức Public Citizen, đã chỉ trích chính quyền Obama khi cho rằng đàm phán TPP sắp đi đến kết thúc dù còn rất nhiều vấn đề tồn đọng.

“Rõ ràng là, việc ngày càng có nhiều phản đối đối với TPP trong Nghị viện và công chúng Hoa Kỳ, cũng như trong các cơ quan lập pháp và công chúng ở các nước khác sẽ khiến các vòng đàm phán ngày càng trở nên bí mật và đưa ra tuyên bố rằng đàm phán sắp hoàn thành”, bà này nói.

Một vấn đề vẫn chưa giải quyết được trong chương IPR là thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu cho dược phẩm sinh học cũng như các quy định chung về quyền sở hữu trí tuệ trong dược. Trong vòng đàm phán 18 tại Malaysia, Hoa Kỳ đã giải thích cho các nước TPP khác về lý do pháp luật của Hoa Kỳ quy định 12 năm cho bảo hộ độc quyền dữ liệu đối với dược phẩm sinh học, nhưng đã không đưa ra một đề xuất cụ thể nào cho vấn đề này để thảo luận.

Cụ thể về vấn đề này, Hoa Kỳ lúc đầu đã đưa ra một đề xuất cho phép các công ty dược có thương hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao hơn khi các công ty này đang xin cấp phép lưu hành một loại thuốc ở một nước TPP khác trong một khoảng thời gian nhất định sau khi đã được phép lưu hành tại nước TPP đầu tiên.

Tuy nhiên Hoa Kỳ cũng chưa xác định khoảng thời gian của “cửa sổ tiếp cận” này, và đề xuất này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước TPP. Chính quyền Obama hiện vẫn đang tiến hành xem xét nội bộ về việc có sửa đổi đề xuất đó không và sửa như thế nào, và hiện vẫn chưa đưa ra đề xuất mới.

Phát biểu của Public Citizen đã nhấn mạnh sự phản đối mạnh mẽ của các nước TPP đối với đề xuất về bản quyền và sáng chế của Hoa Kỳ và cho rằng sẽ không có một nội dung thống nhất nào về IPR để các nước đàm phán.

Về vấn đề SOEs, Public Citizen cho rằng chương này khó có thể được giải quyết trong thời gian trước mắt trừ khi các nước TPP đang “phản đối hoàn toàn” đề xuất của Hoa Kỳ đột nhiên thay đổi quan điểm hoặc là Hoa Kỳ tự từ bỏ toàn bộ đề xuất về SOE của mình. Mặc dù bài phát biểu không nêu tên cụ thể nước nào phản đối đề xuất SOE của Hoa Kỳ, nhưng thông tin từ các nguồn trước đây cho thấy Singapore, Malaysia, Việt Nam và Brunei nhiều khả năng là những nước phản đối.

Theo nguồn tin kinh tế thì thảo luận về SOE dường như cuối cùng cũng đạt được một số tiến triển, một phần vì Hoa Kỳ và Australia – 2 nước ủng hộ việc đưa vào các quy tắc về SOE -- đang thu hẹp sự khác biệt về nội dung các quy định này.

Cũng theo các nguồn tin này các nước TPP hiện đang đàm phán trên một bản thảo thống nhất trong đó đã nhấn mạnh sự tương đồng và khác biệt giữa đề xuất của Hoa Kỳ và Australia. Một nguồn tin công nghiệp nước ngoài cho biết đề xuất của Hoa Kỳ và Australia sẽ được thảo luận tại vòng đàm phán 19 này.

Về tiếp cận thị trường, Hoa Kỳ và các nước TPP khác ngoại trừ Nhật Bản đã cam kết sẽ tiếp tục đàm phán về các đề xuất thuế quan cho cả những sản phẩm nhạy cảm nhất của các nước này trong những tuần và tháng tới để đáp ứng các thời hạn đề ra.

Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra một đề xuất đáng kể nào về tiếp cận thị trường đối với sản phẩm bơ sữa của New Zealand, đại sứ nước này tại Washington cho biết hồi tuần trước. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ vẫn đang từ chối đàm phán tiếp cận thị trường hàng hóa với Australia, nước đang tìm kiếm một sự tiếp cận rộng hơn cho sản phẩm đường của nước này xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Hoa Kỳ và Việt Nam có vẻ đã sẵn sàng tham gia vào các thảo luận sâu hơn về mặt hàng da giày so với trước đây, có thể tại vòng đàm phán thứ 19 này, theo nguồn tin từ công nghiệp da giày. Việt Nam đang tìm kiếm mức thuế thấp hơn của Hoa Kỳ đối với hàng da giày nhập khẩu, mặc dù việc giảm thuế bị các nhà sản xuất nội địa của Hoa Kỳ phản đối.

Việt Nam cũng đang tìm kiếm sự tiếp cận rộng hơn vào thị trường Hoa Kỳ cho các sản phẩm may mặc. Các thảo luận đến thời điểm này chủ yếu tập trung vào quy tắc xuất xứ đối với hàng may mặc, với việc Hoa Kỳ kiên quyết theo đuổi quy tắc “từ sợi trở đi”, sẽ ngăn cản Việt Nam sử dụng sợi và vải từ các nước không thuộc TPP như Trung Quốc để hàng may mặc đủ điều kiện hưởng cắt giảm thuế quan theo quy tắc này.

Các nước TPP hiện đang đàm phán một danh sách “nguồn cung thiếu hụt” mà theo đó các sản phẩm trong danh sách này sẽ được miễn trừ khỏi quy tắc từ sợi trở đi. Thảo luận về vấn đề này có thể sẽ được tiếp tục tại vòng thứ 19 bởi nhóm đàm phán về quy tắc xuất xứ.

Nguồn tài liệu tham khảo:

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Thông tấn xã Việt Nam

Website:http://www.trungtamwto.vn/; http://www.thesaigontimes.vn/; http://www.vietnamplus.vn/