0236.3650403 (128)

Vai trò Chi Ngân sách Nhà Nước trong hoạt động khoa học công nghệ


Chi NSNN cho khoa học công nghệ là một trong những khoản chi vô cùng quan trọng đối Chính phủ của bất kỳ một quốc gia nào. Việc đầu tư cho khoa học công nghệ là một trong những điểm cơ bản dẫn dắt các nước nghèo vươn mình trở thành các nước có nền kinh tế phát triển. Khoa học công nghệ là chính sách cốt lõi trong việc phát triển nền kinh tế tri thức. Mỗi phát minh, sáng chế đều mang lại giá trị kinh tế, xã hội cao. Từ các mặt hàng điện tử, ô tô, vật liệu mới, đến công nghệ sinh học, gen… đều là những bước tiến của khoa học công nghệ vào cuộc sống và mang lại những lợi nhuận khổng lồ cho con người. Khoa học công nghệ là loại mặt hàng khi bán vẫn không mất đi và khi mua chỉ được quyền sử dụng. Trong khi để có được sản phẩm tiêu dùng, các nước nghèo phải bán đứt khoáng sản, sức lao động giản đơn, đất đai và thậm chỉ là quyền tự chủ, sáng tạo… mà không giữ lại cho đất nước mình bất cứ thứ gì. Vì vậy, đối với một đất nước chưa thực sự phát triển như Việt Nam thì việc Nhà nước chi ngân sách cho khoa học công nghệ là vô cùng cần thiết không những cho hiện tại và cả trong tương lai.

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự phát triển năng động của nền kinh tế, quá trình hội nhập và toàn cầu hóa đang làm cho việc rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước trở nên phức tạp hơn và nhanh hơn. Khoa học công nghệ trở thành động lực cơ bản của phát triển kinh tế xã hội. Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ góp phần đưa đất nước phát triển đến một tầm cao hơn. Nhưng để làm được điều này, chính phủ cũng phải có những chính sách hợp lý, sử dụng công cụ chi hợp lý đối với lĩnh vực khoa học công nghệ này.

Hiện nay, các tổ chức, các nhà nghiên cứu KH&CN vẫn làm việc dựa theo phương thức đó là sử dụng nguồn kinh phí của nhà nước để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, đến khi hoàn thành xong dự án sẽ nộp lại cho nhà nước và họ được nhà nước cấp cho khoản tiền lương, tiền công phụ thuộc vào những đóng góp của họ trong dự án đó. Nguồn kinh phí mà nhà nước đầu tư cho lĩnh vực KH&CN hằng năm là khoảng 400 USD, tương đương với 6,6 nghìn tỷ đồng.

Nhà nước đã cho phép hình thành các quỹ để hỗ trợ đầu tư cho khoa học và công nghệ:

- Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia: do Chính phủ lập ra

- Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cấp bộ, ngành, tỉnh trực thuộc trung ương

- Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp

Các quỹ này được thành lập nhằm hỗ trợ nguồn vốn, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi để các cá nhân, tổ chức có điều kiện phát triển hoạt động khoa học công nghệ.

Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành những chính sách thuế ưu đãi cho lĩnh vực khoa học công nghệ như là: khoản thu nhập từ các hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ thì không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hay các loại máy móc thiết bị phục vụ cho quá trình nghiên cứu khoa học công nghệ được nhập khẩu từ nước ngoài thì sẽ được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng và còn nhiều chế độ ưu đãi thuế khác…Không những vậy, các hoạt động trong lĩnh vực này còn được hưởng chính sách tín dụng thông thoáng hơn, được hưởng lãi suất với các chế độ ưu đãi khác. Bên cạnh đó, Chính phủ còn cam kết đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ví dụ như phòng thí nghiệm,… theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, dự án khoa học công nghệ quan trọng, trong điểm. 

Khoa học và công nghệ đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, nước ta đã tiếp thu, học tập, khai thác có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ từ nước ngoài và áp dụng những thành tựu đó vào một số ngành sản xuất, dịch vụ. Từ đó, những ngành này có cơ hội phát triển, nhiều sản phẩm hàng hóa được ra đời, có sức cạnh tranh cao trên thị trường và mang lại lợi nhuận cao. Đặc biệt, khoa học và công nghệ đã được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và năng suất cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, và các mặt hàng lương thực của nước ta như gạo, cà phê, v.v… ra thị trường nước ngoài qua con đường xuất khẩu.

Ngoài ra, nhiều chương trình nghiên cứu KH&CN đã được triển khai trên lĩnh, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ cơ khí-chế tạo máy,… đã góp phần đổi mới các công nghệ tiên tiến hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả cho nhiều ngành kinh tế.

Trong những năm qua, Việc nhà nước đã cố gắng đầu tư cho giáo dục và đào tạo khoa học công nghệ đã góp phần cải thiện và nâng cao trình độ nhân lực, tạo ra một lực lượng lao động sản xuất có chuyên môn cao cho đất nước ngày nay.

ThS. Hoàng Thị Xinh