0236.3650403 (128)

Viện trợ-Các nhân tố ảnh hưởng đến các khoản viện trợ?


Viện trợ nước ngoài bao gồm các dòng tài chính, trợ giúp kỹ thuật, và hàng hoá được cư dân một nước trao cho cư dân nước khác dưới hình thức trợ cấp hay cho vay có trợ cấp. Viện trợ có thể được cho hay được nhận bởi chính phủ các nước, các tổ chức từ thiện, các quỹ, các doanh nghiệp hay cá nhân. Không phải mọi sự chuyển giao  từ nước giàu sang nước nghèo đều được xem  là viện trợ nước ngoài. Nó còn  tuỳ  thuộc vào việc ai cho, cho vì mục đích gì, và cho với điều kiện gì. Một khoản vay thương mại từ tập đoàn Citibank để xây dựng một nhà máy phát điện không phải  là viện  trợ hay mộtkhoản  trợ cấp  từ chính phủ Anh để mua  thiết bị quân sự cũng không phải  là viện  trợ. Tuy nhiên, một khoản  trợ cấp từ chính phủ Anh để xây dựng một nhà máy phát điện được xem là viện trợ nước ngoài.

       Các khoản trợ cấp hay cho vay có trợ cấp tạo thành viện trợ nước ngoài thường được gọi là hỗ trợ ưu đãi, trong khi các khoản vay  theo các điều khoản  thị  trường hay gần như thị trường không phải là viện trợ nước ngoài được gọi là hỗ trợ không ưu đãi. Cần phân biệt giữa các khoản viện trợ dưới dạng cho vay và các khoản vay không viện trợ. Một khoản vay được xem là viện trợ nếu nó có “cấu phần trợ cấp” bằng hay cao hơn 25 phần trăm, có nghĩa là hiện giá của khoản vay tính cả lãi suất và cơ cấu thời hạn ít nhất phải thấp hơn 25 phần trăm so với hiện giá của khoản vay tương ứng theo lãi suất thị trường.

       Các khoản viện trợ được xếp vào nguồn thu Ngân sách nhà nước ở đây được hiểu là các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, những tổ chức phi chính phủ, cá nhân khác ở nước ngoài tài trợ cho Chính phủ Việt Nam, hay cụ thể cho ngân sách của các địa phương. Và các khoản viện trợ này thường gắn liền với mục đích sử dụng vốn.

       Viện trợ phát triển chính thức ( ODA ) bao  gồm viện  trợ  của  chính phủ các nước  tài  trợ (vì  thế được gọi  là chính  thức) dành cho các nước  thu nhập  thấp và  trung bình.

       Viện trợ chính thức (OA)là viện trợ cung ứng bởi chính phủ các nước tài  trợ  dành  cho  những  quốc  gia  giàu  hơn  với  thu  nhập  trên  đầu  người  cao  hơn khoảng  9000 USD. Nói chính xác hơn, viện trợ cho những nước có thu nhập trên đầu người (trong ba năm liên tiếp) nằm trên ngưỡng “thu nhập cao” của Ngân hàng Thế giới thuờng được gọi là OA.

       Viện trợ tự nguyện tư nhân bao gồm trợ cấp từ các  tổ chức phi chính phủ, các nhóm  tôn giáo, các  tổ chức  từ  thiện, các quỹ, và các công  ty  tư nhân.

       Các loại viện trợ khác nhau có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng theo những cách khác nhau. Một nghiên cứu gần đây đã chia tách các dòng viện trợ theo khả năng ảnh hưởng nhiều nhất và ít nhất đối với tăng trưởng trong một vài năm, thử xem có sự khác biệt nào không. Theo tiêu chí này, viện trợ được chia thành ba loại:

       Viện trợ khẩn cấp và nhân đạo, có thể gắn liền một cách nghịch biến với tăng trưởng, vì viện trợ loại này tăng mạnh khi tăng trưởng giảm do một cú sốc kinh tế.

       Loại viện trợ chỉ có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng sau một thời gian dài, nếu có chăng, và vì thế tác động về mặt tăng trưởng có thể khó dò tìm, như viện trợ về y tế, giáo dục,  môi trường và hỗ trợ nền dân chủ.

       Viện trợ trực tiếp nhằm ảnh hưởng đến tăng trưởng (xây dựng đường sá, bến cảng, và nhà máy phát điện, hay hỗ trợ nông nghiệp).

Các phân loại này dựa trên nguyên cứu của DAC( Organisation for Economic Cooperation and Development) cho thấy mối quan hệ rất mạnh giữa loại viện trợ thứ ba và tăng trưởng, nhưng mối quan hệ với các loại khác thì khó dò tìm hơn. Nghiên cứu này cũng tìm thấy sự hỗ trợ cho  nhận định rằng loại viện trợ thứ ba có tác động mạnh hơn ở những nước có thể chế mạnh hơn.

 Các nhân tố ảnh hưởng đến nguồn thu từ các khoản viện trợ

       Uy tín của quốc gia trên chính trường thế giới  được gây dựng bởi, năng lực sản xuất của quốc gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế, lịch sử tín dụng quốc tế và những đóng góp của quốc gia vào những hoạt động chung của cộng đồng thế giới tốt sẽ là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn viện trợ quốc tế.

       Yếu tố chính trị chính trị là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến khả năng huy động các nguồn viện trợ. Bởi viện trợ là một trong những phương tiện để thực hiện ý đồ chính trị của các quốc gia viện trợ. nguồn vốn viện trợ sẽ bị ảnh hưởng bởiquan hệ sẵn có của bên cấp viện trợ cho nước nhận viện trợ bởi sự tương hợp về thể chế chính trị, bởi quan hệ địa dư gần gũi. Bên cấp viện trợ và các nguồn vốn chính thức khác thường cấp viện trợ cho những người bạn về chính trị và đồng minh quân sự mà không cấp viện trợ cho những đối tượng mà họ cho là kẻ thù, hoặc sự viện trợ cho các nước xem như kẻ thù nhưng đi kèm với những ý đồ chính trị đòi hỏi bên nhận viện trợ phải đảm bảo thực hiện. Đó chính là tính chất địa lý - chính trị được thể hiện rất rõ trong viện trợ quốc tế.

       Điều kiện kinh tế cũnglà một trong những nhân tố ảnh hưởng đến các khoản viện trợ và tính chất của các khoản viện trợ, tùy từng điều kiện mà nguồn viện trợ có thể là tiền, hàng hóa hay hỗ trợ công nghệ. Bên cạnh đó, các nước viện trợ nói chung đều muốn đạt được những ảnh hưởng về chính trị, và kinh tế đem lại lợi nhuận cho hàng hoá và dịch vụ tư vấn trong nước. Họ gắn quỹ viện trợ với việc mua hàng hoá và dịch vụ của nước họ như là một biện pháp nhằm tăng cường khả năng làm chủ thị trường xuất khẩu và giảm bớt tác động của viện trợ đối với cán cân thanh toán. Mặt khác, nước nhận viện trợ còn phải chịu rủi ro của đồng tiền viện trợ. Nếu đồng tiền viện trợ tăng giá so với đồng tiền của các nước nhận được do xuất khẩu thì nước tiếp nhận sẽ phải trả thêm một khoản nợ bổ sung do chênh lệch tỷ giá tại thời điểm vay và thời điểm trả nợ (đối với các khoản viện trợ một phần dưới dạng vốn ODA). Theo tính toán của các chuyên gia thì cho dù không đi kèm theo điều kiện ràng buộc nào thì viện trợ vẫn đem lại lợi ích thương mại cho quốc gia viện trợ.

       Hiệu quả sử dụng vốn viện trợcũng ảnh hưởng lên nguồn viện trợ quốc tế trong tương lai, cần hiểu rằng những khoản viện trợ là một phần GNP của các nước tài trợ nên rất nhạy cảm với các dư luận xã hội ở các nước tài trợ. Nhân dân các nước cấp viện trợ coi trọng tầm quan trọng của cả số lượng và chất lượng của viện trợ, họ sắn sàng ủng hộ viện trợ với điều kiện là viện trợ được sử dụng tốt. Chính vì vậy,các nước nhận viện trợ cần phải rất thận trọng với nguồn viện trợ dù dưới dạng hoàn lại hay không hoàn lại đều phải quản lý chặt chẽ trong việc sử dụng, đảm bảo sử dụng phải hiệu quả, đúng mục đích.    

Hoàng Thị Xinh - Khoa QTKD